Kiểu khám bệnh lấy tinh dịch khiến bệnh nhân kinh hãi và đau đớn là những gì đã diễn ra tại Phòng khám Đa khoa Thái Hà.
Sau loạt bài điều tra phản ánh tình trạng tại nhiều phòng khám đa khoa trên địa bàn TP. Hà Nội có y tá “đội lốt” bác sĩ khám và “phán” bệnh cho bệnh nhân để “moi” tiền vô tội vạ, Báo Gia đình Việt Nam tiếp tục nhận được nhiều phản ánh về những dấu hiệu sai phạm tại Phòng khám Đa khoa Thái Hà có địa chỉ số 11, phố Thái Hà (PKĐK số 11 Thái Hà), phường Trung Liệt, quận Đống Đa, TP. Hà Nội).
Phóng viên Báo Gia đình Việt Nam đã vào cuộc và ghi nhận được hàng loạt những dấu hiệu sai phạm tại PKĐK số 11 Thái Hà.
Cũng như những bệnh nhân khác, PV chỉ cần gõ cụm từ “Phòng khám đa khoa Thái Hà” sẽ hiển thị ngay trang web của phòng khám này như chính tên gọi hoặc những cụm từ khóa có tên đi cùng cụm từ Phòng khám đa khoa Thái Hà để “dẫn” bệnh nhân đến với phòng khám. Tiếp đó, bệnh nhân có thể sử dụng các thao tác “chat” hoặc gọi điện thoại trực tiếp để được tư vấn và đặt lịch thăm khám.
Người đàn ông Trung Quốc xưng là bác sĩ khám cho PV. Ông ta có kiểu khám bệnh hết sức “quái dị” (Ảnh: cắt từ video).
>> Sở Y tế Hà Nội thu hồi giấy phép hoạt động PKĐK Hoàng Mai
Chỉ vài thao tác “chat”, ngay lập tức PV được phía bộ phận nhân viên, y bác sĩ trực web trả lời nhiệt tình. PV chỉ cần trình bày một số biểu hiện của bệnh lậu, ngay lập tức sẽ nhận được những dòng tư vấn “bạn có biểu hiện của bệnh lậu, nên đến khám ngay, bạn đọc họ tên, địa chỉ và để lại số điện thoại để phòng khám đăng ký mã khám bệnh”.
Đúng như hướng dẫn của bộ phận tư vấn PKĐK số 11 Thái Hà, chiều tối ngày 18/12/2018, PV có mặt tại quầy lễ tân phòng khám này để đăng ký được khám bệnh.
Sau khi ghi xong tên tuổi địa chỉ, số điện thoại, PV được nhân viên dẫn lên tầng 3. Hình ảnh đầu tiên đập vào mắt chúng tôi là nhiều bệnh nhân trẻ tuổi đang ngồi hí hoáy chiếc điện thoại để chờ đến lượt mình. Những con người, những âm thanh nghe inh tai là tiếng Trung Quốc phát ra từ các phòng khám bệnh chẳng ai hiểu được. Nhiều nhóm người nói tiếng Trung là các phụ nữ xúm xụm.
Tại đây, PV ngồi đợi đến lượt khám bệnh, sau đó PV được mời vào phòng khám để khám bệnh. Phòng khám bệnh tại nơi PV vào có 2 người, một người đàn ông nói tiếng Trung Quốc và một người phụ nữ tuổi trung niên giới thiệu mình là người phiên dịch.
Trình bày vài triệu chứng như biểu hiện của bệnh lậu thường gặp, người phụ nữ phiên dịch thông tin với người đàn ông nói tiếng Trung Quốc.
PV được yêu cầu nằm xuống để người đàn ông nói tiếng Trung Quốc kiểm tra. Chưa đầy một phút, PV đã được kiểm tra xong. Qua lời nói, người phụ nữ phiên dịch nói PV bị dài bao quy đầu. PV được yêu cầu qua phòng kế toán để đóng tiền khám.
Tiếp đến, PV được yêu cầu quay lại phòng khám cũ để lấy dịch mang đi xét nghiệm. Qua phiên dịch và cử chỉ của người đàn ông nói tiếng Trung Quốc, PV được yêu cầu cởi bỏ quần, chống 2 tay xuống giường, chổng mông để lấy dịch.
Người phụ nữ giới thiệu tên Nguyệt là phiên dịch cho người đàn ông Trung Quốc tại PKĐK 11 Thái Hà (Ảnh: cắt từ video).
Thất kinh và quá sợ hãi, vì PV chưa bao giờ chứng kiến cảnh lấy “dịch đồ” để làm xét nghiệm như ở PKĐK 11 Thái Hà. Bất ngờ, chẳng nói chẳng rằng, người đàn ông nói tiếng Trung Quốc lấy tay bôi qua một thứ chất lạ, sền sệt màu trắng gì đó rồi dùng chính tay móc mạnh vào phía trong hậu môn khiến “bệnh nhân” đau đớn, khó chịu vô cùng.
Thấy “bệnh nhân” quằn quại kêu la, người đàn ông nói tiếng Trung Quốc “xì xồ xì xào” như để trấn an. Sau cái ngoáy đau nhói, một ít tinh dịch ra khỏi dương vật.
Tiếp đến, người này lấy chiếc tăm bông và lấy mẫu tinh dịch để đi xét nghiệm. PV tiếp tục được hướng dẫn lấy máu và nước tiểu để xét nghiệm. Ngồi đợi khoảng 30 phút, PV được người phụ nữ phiên dịch gọi vào phòng khám để nhận “bệnh”.
Người phụ nữ này truyền lời từ người đàn ông nói tiếng Trung Quốc “Em bị nấm và dương tính Chlamydia. Cái này là bệnh truyền nhiễm đấy, không phải tự dưng mà bị đâu. Hướng điều trị bác sĩ sẽ cho điều trị bằng hướng truyền, không tiêm được vào mông”.
Vị phiên dịch này yêu cầu “truyền thuốc bây giờ truyền luôn. Không thì để bác sỹ đặt thuốc luôn, bơm thuốc rửa niệu đạo luôn”.
Nói về giá thuốc chữa trị “Bệnh của em cả truyền cả đặt thuốc vào niệu đạo thì hết khoảng 900.000 đồng/ngày” – vị phiên dịch nói.
Để thoát khỏi được “vòng vây” PKĐK 11 Thái Hà và cầm được sổ khám bệnh, các xét nghiệm để làm bắng chứng, PV phải đặt cọc tiền ở đây và nhanh chân tháo chạy.
Rời khỏi phòng khám, nét mặt người đàn ông Trung Quốc tỏ vẻ thất vọng như một người vừa đánh rơi tiền. Người đàn ông này thở dài, lắc đầu, ngao ngán vì PV không truyền thuốc theo yêu cầu và chỉ định của ông ta.
Báo Gia đình Việt Nam tiếp tục thông tin về vụ việc!.